09:35 12/11/2007

“Nút thắt cổ chai” của kinh tế Việt Nam”

Thùy Linh

Nếu không được nâng cấp, cơ sở hạ tầng sẽ trở thành “nút thắt cổ chai” đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Ông Motoyuki Oka, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt.
Ông Motoyuki Oka, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt.
Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng nếu cơ sở hạ tầng tại Việt Nam không sớm được nâng cấp, hoàn thiện kịp thời, thì vấn đề này sẽ trở thành “nút thắt cổ chai” cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông Motoyuki Oka, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, đã đưa ra nhận định trên trong cuộc họp báo về kết quả thực hiện Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 2 ngày 9/11/2007.

Qua kết quả của việc thực hiện sáng kiến chung, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, theo ông, nội dung gì được cải thiện nhất?

Ở giai đoạn 2 có rất nhiều nội dung được cải thiện. Nhưng câu hỏi đặt ra là một nội dung cải thiện ấn tượng nhất chính là cải thiện quy tắc nhất trí của các thành viên Hội đồng quản trị trong công ty liên doanh. Không cần yêu cầu 100% nhất trí mà chỉ cần sự nhất trí của đa số theo phần góp vốn.

Năm 2006, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 1,3 tỉ USD, tăng hơn 40% so với 2005, vậy điểm hấp dẫn nhất trong môi trường đầu tư của Việt Nam nhìn từ góc độ doanh nghiệp Nhật Bản là gì, thưa ông?

Tiền đề lớn nhất chính là sự ổn định chính trị. Thứ hai là ý chí của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Cụ thể được thể hiện qua việc ký kết hiệp định đầu tư và việc thực hiện sáng kiến chung giai đoạn 1 và 2.

Chúng tôi thấy Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cải thiện trong môi trường đầu tư, dành những điều kiện đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp. Kết quả thực hiện trong 4 năm qua chính là thể hiện ý chí đó của Việt Nam.

Điểm thứ ba chính là thị trường lớn của Việt Nam với dân số gần 90 triệu người và người dân được đánh giá cần cù và có năng lực. Đó cũng là điểm hấp dẫn lớn. Với quan điểm riêng của Sumimoto, ngay từ đầu chúng tôi đã nhận thấy vị trí địa lý của Việt Nam rất hấp dẫn, nằm ở chính trung tâm châu Á.

Khi đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam thì việc nhập khẩu nguyên vật liệu rất thuận tiện cũng như việc xuất khẩu các hàng thành phẩm cho khối ASEAN hay châu Á cũng thuận tiện.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vấn đề tồn tại lớn nhất ở Việt Nam là gì và hướng giải quyết sẽ như thế nào, thưa ông?

Qua trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản, tôi thấy ý kiến chung cho rằng vấn đề lớn nhất là cơ sở hạ tầng. Và đây cũng không phải là vấn đề của riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nếu sau đây, vấn đề cơ sở hạ tầng của Việt Nam không được nâng cấp, không được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng đúng nhu cầu của tăng trưởng kinh tế, nó sẽ trở thành “nút thắt cổ chai” cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông đánh giá nào về thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian qua và dự báo xu hướng tiếp theo trên cơ sở sự thành công của sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 2?

Chúng tôi đánh giá cao việc môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện. Trên thực tế, đầu tư đã gia tăng. Trong thời gian tới, tôi hi vọng môi trường đầu tư sẽ tiếp tục được cải thiện.

Tôi xin nhấn mạnh rằng điều kiện để tiếp tục thu hút đầu tư vào Việt Nam cũng liên quan đến tiến độ của 3 dự án lớn (Khu công nghệ cao Hoà Lạc, đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc-Nam) mà Chính phủ Việt Nam đã đề nghị với Nhật Bản. Ngoài ra, đó còn là sự tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng như điện, cảng, đường...